• 0888.91.91.98
  • Join group

Kỷ niệm kinh hoàng vào ngày này 7 năm trước – Brexit 24-06-2016

Kỷ niệm kinh hoàng vào ngày này 7 năm trước – Brexit 24-06-2016

Hôm nay là thứ 7, chắc hầu hết anh em trader đang có một ngày cuối tuần yên bình, à tôi nói anh em forex thôi nhé, còn anh em future coin thì chắc ko có ngày nào yên bình cả.

Đúng ngày này 7 năm trước – ngày 24/06/2016, nước Anh đã quyết định rời EU sau khi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để xem là nên đi hay nên ở lại.

Thời điểm đó, tôi đang là một newbie mới lò dò “tham quan” thị trường và đang đi tìm học kiến thức giao dịch búa xua.

Hôm nay là ngày 24/06, trùng khớp với ngày diễn ra Brexit vào năm 2016, tôi xin phép được viết đôi dòng gọi là để cùng các anh em ôn lại kỉ niệm xưa và cũng là để cho những anh em chưa biết về “ngày đen tối” của thị trường tài chính thế giới có thêm một ít thông tin về sự kiện hiếm hoi có 1 không 2 này.

Bài viết dài, anh em cân nhắc trước khi đọc.

Trước ngày diễn ra cuộc bỏ phiếu khoảng nửa tháng, các broker đã bắt đầu rục rịch gửi email cho khách hàng của mình để thông báo về sự kiện Brexit cũng như một số thay đổi chính sách về kí quỹ trong giai đoạn này. Tôi có đính kèm ảnh ở cuối bài viết một số ảnh chụp email mà HotForex (lúc đó tôi đang giao dịch trên sàn này) đã gửi thông báo cho tôi về việc họ sẽ giảm đòn bẩy với tất cả các cặp GBP xuống còn 1% (tức 1:100), áp dụng cho cả những lệnh trạng thái.

Thực tế thì với một gà mờ như tôi, tôi không quan tâm lắm đến những email và tin tức như thế này, tôi vẫn lượn lờ trên market như một cuộc dạo chơi.

Khoảng 9-10h sáng, thị trường đã bắt đầu rung lắc mạnh, tôi lúc đó sở hữu một tài khoản 200$, rất oách, khi thấy cặp GBPUSD giật mạnh, tôi múc luôn 1 lệnh buy. Kết quả thì anh em đều rõ, tất nhiên là tôi cháy.

Nhưng hay ở chỗ, tôi gần như không kịp nhìn tài khoản của mình cháy anh em ạ, tôi vào lệnh xong, MT4 lag không nhảy nến, chẳng khác gì sàn Binance những ngày BTC sập mạnh. Vài phút sau khi MT4 hoàn hồn thì tài khoản tôi đã sạch tiền rồi. Rất thú vị.

YouTube video
Video của Bloomberg nói về sự kiện Anh rời khỏi EU

Để anh em dễ hình dung hơn về mức độ khủng khiếp của sự kiện Brexit ngày hôm đó, tôi xin trích dẫn một vài số liệu thực tế như sau:

  • Sau sự kiện Brexit ngày 24/06, đồng Bảng Anh (GBP) đã có một pha nhảy hố vôi từ 1.5 xuống 1.33 (đóng cửa ở 1.368), mức sụt giảm lên đến hơn 11% và cũng là mức giá thấp nhất sau 31 năm.
  • Hơn 2100 tỷ đô la bị xoá sổ trên thị trường chứng khoán toàn cầu. Theo Standard & Poor, đây là con số sụt giảm trong ngày lớn nhất từ trước đến nay, vượt qua cả vụ phá sản của Lehman Brothers trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và sự sụp đổ của thị trường chứng khoán vào ngày Thứ Hai đen tối năm 1987.
  • Chỉ số Nikkei giảm 7.9%. Chỉ số Dow Jones đã giảm 608 điểm, tương đương gần 3,4%. Chỉ số S&P 500 giảm 76 điểm, tương đương 3,6%. Đây cũng là mức sụt giảm trong ngày cao nhất trong 10 tháng trở lại.

Tờ báo The Guardian (tờ báo có số lượng độc giả lớn thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau New York Times) đã có một bài viết dành riêng cho anh em trader với tiêu đề: A rollercoaster ride for City traders on EU referendum night. Đại ý là anh em trader vừa mới có một chuyến tàu lượn siêu tốc trong đêm trưng cầu dân ý.

Nhiều nhà giao dịch còn mô tả sự kiện vừa rồi như là ngày tận thế (có vẻ anh em trader tây lông tim yếu hơn anh em trader Việt Nam mình thì phải).

Mặc dù bài viết đã dài, nhưng đã nói đến đây thì tôi cũng xin đưa thêm những thông tin về lý do Anh quyết định rời EU để cho các anh em nào quan tâm tiện đường tham khảo.

Tại sao Anh quyết định rời EU

Lý do đưa ra thì rất nhiều, nhưng trong đó, tôi có thể liệt kê ra một số lý do chính như sau:

  1. Về kinh tế: dưới con mắt của Anh, EU đã thất bại trong việc vực dậy nền kinh tế sau cuộc đại suy thoái 2008 và nếu lựa chọn ở lại, Anh sẽ tiếp tục phải đi theo sự dẫn dắt của EU. Ngoài ra, Nước Anh còn cho rằng họ đang phải đóng góp quá nhiều tiền cho EU mà nhẽ ra họ có thể giữ lại cho mình số tiền đó. Theo thống kê, hàng năm Anh phải đóng góp tới 13 tỷ Bảng cho EU, chỉ xếp sau Đức và Pháp.
  2. Về chủ quyền: nước Anh tin rằng trong nhiều thập kỷ qua, EU đã thực hiện nhiều hiệp ước khiến cho quyền lực các cơ quan trung ương của EU ngày càng lớn và chèn ép các nước thành viên. Có quá nhiều điều luật khiến họ không thoải mái, như những chính sách về cạnh tranh, về nông nghiệp, bản quyền hay luật sáng chế.
  3. Về chính trị & xã hội: với việc tham gia vào EU, người Anh mong đợi EU có thể mang đến cho họ một nền kinh tế thịnh vượng, dịch vụ công hiệu quả, kiểm soát tốt tình trạng nhập cư, đồng thời giảm tỷ lệ tội phạm và khủng bố. Nhưng dường như dưới con mắt của người Anh, EU đang đi ngược lại với tất cả những gì họ mong đợi.

Anh gia nhập EU khiến cho làn sóng nhập cư vào Anh diễn ra mạnh mẽ, điều đó kéo theo nhiều tệ nạn xã hội đồng thời khiến nước Anh mất dần đi bản sắc của mình. Và có vẻ người Anh rất không thích điều này (theo thống kê có đến 45% người Anh cho rằng chính sách nhập cư là một vấn đề nhức nhối đối với họ).

Quan điểm cá nhân về Brexit

Tôi đã đọc khá nhiều bài viết về việc Anh rời liên minh Châu Âu và tôi cho rằng chuyện này chẳng mang lại kết quả tốt đẹp gì cho cả đôi bên.

Tôi hay tưởng tượng rằng Anh rời EU giống như cảnh một ông con zai lớn trong nhà cảm thấy bố mẹ đối xử hà khắc với mình, cấm mình hút thuốc, cấm mình đi về nhà trước 10h tối và thế là ông con zai quyết định bỏ nhà đi bụi.

Kết quả là gì, gia đình mất đi đứa con lớn, tiếng nói với các đứa con bé và những gia đình hàng xóm giảm đi sức mạnh. Đứa con thì lang thang bờ bụi vất vưởng, sức khoẻ và tinh thần ngày càng yếu đi. Thay vì đưa ra quyết định đó một cách vội vàng, có khi ngồi lại để cùng đồng thuận đưa ra một giải pháp lại tốt cho cả hai.

Kể từ Brexit 2016 đến nay, tình hình của nước Anh:

  1. Chính trị ngày càng rối ren: Kể từ ngày diễn ra Brexit 2016, nước Anh đã thay đổi đến 4 đời thủ tướng (ông David Cameron đã từ chức ngay sau khi cuộc bỏ phiếu hoàn thành), đây là minh chứng cụ thể nhất cho sự bất ổn của chính trị Anh lúc này. Lãi suất nợ công tăng mạnh và Moody’s cũng đã hạ triển vọng dài hạn nợ công của nước Anh từ “ổn định” xuống “tiêu cực”.
  2. Kinh tế ngày càng đi xuống: trước thời điểm diễn ra Brexit, kinh tế Anh tương đương khoảng 90% so với Đức (Đức là nền kinh tế lớn nhất Châu Âu), nhưng hiện tại tỉ lệ chỉ còn khoảng 75% (năm 2021, GDP của Đức là 4,223 tỷ đô, Anh là 3,186 tỷ đô).

    Năm 2022, Ấn Độ đã vượt qua Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và dự kiến vượt xa Anh vào cuối năm 2023. Ngoài ra, Anh đang đối mặt với lạm phát cao kỉ lục ở mức 10%. Theo thống kê, có đến 85% người dân Anh đã phải cắt giảm chi tiêu do chi phí sinh hoạt tăng quá cao.

Thậm chí theo dự báo của Goldman Sachs, Anh có nguy cơ suy thoái sâu, gần bằng với suy thoái tại Nga, nơi đang phải gồng mình đối phó với các chính sách trừng phạt từ phương Tây.

Aiza, bài viết dài quá rồi, xin lỗi anh em vì viết bon tay quá. Rất vui và cảm ơn nếu anh em đã đọc đến đây.

Đúng là với mỗi sự kiện kinh tế, chính trị đặc biệt như Brexit, luôn có rất nhiều thứ hay ho mà chúng ta có thể tìm thấy đằng sau nó.

Bài học cho bản thân

Là một trader, cũng như nhiều anh em khác, tôi rất quan tâm và luôn muốn tìm hiểu nhiều hơn về những sự kiện như thế này, đồng thời sau đó có thể chia sẻ lại cho nhiều anh em có cùng niềm yêu thích như tôi.

Dù thực tế là tôi chỉ “ngồi xổm” trong sự kiện Brexit vỏn vẹn vài phút đồng hồ (tôi cháy tài khoản ngay sau khi vào lệnh mà anh em), nhưng tôi cũng rút ra được một số bài học hay ho cho bản thân, không phải ngay lập tức, mà có những cái mãi nhiều năm sau này tôi mới nhận ra nhé anh em.

Tôi có thể chia sẻ với anh em những bài học đó ngay sau đây:

  1. Với những sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội được dự báo trước có khả năng gây bão cho thị trường, tốt nhất tôi sẽ lót dép ngồi ngoài hóng. Lao vào lúc đấy khác gì “Búa bổ đầu chim sẻ”, mình không phải đại bàng đâu anh em.
  2. Thị trường tài chính là một thị trường điên rồ, vì thế, gì thì gì, hãy đầu tư với số tiền có thể mất anh em nhé. Qua vụ này, tôi biết có nhiều anh em may mắn kiếm được tiền, nhưng anh em biết đấy: ai kiếm thì kiếm được chút ít rồi té, chứ ai mất là mất sạch.
  3. Nếu có thời gian, anh em hãy chịu khó tìm hiểu thêm về kinh tế, chính trị, nó sẽ giúp anh em có niềm vui thích hơn với công việc và giúp anh em hiểu hơn về bản chất, diễn biến thị trường. Từ đó, có khi nó sẽ giúp cho anh em giao dịch tốt hơn cũng nên.

Tôi không phải là một chuyên gia, tôi cũng chỉ là một trader như các anh em và cũng có mong muốn được sống đẹp như những con thiên nga của Tchaikovsky bằng nghề Forex mà thôi.

Cuối cùng, chúc anh em có một ngày cuối tuần vui vẻ bên người thân và gia đình nhé.

4.9/5 - 11 bình chọn

Trần Minh Sơn

Chào bạn, tôi là Sơn. Tôi là một trader và là một nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Tôi được cộng đồng biết đến nhiều hơn sau khi đạt giải nhì trong cuộc thi Vietnam Trading Challenge 2020.

Chúng ta đều hiểu rằng, trading là một hành trình dài không có hồi kết. Tôi đã đến với thị trường ngoại hối từ cuối 2015, và sau hơn 7 năm tồn tại trên thị trường này, tôi vẫn luôn cố gắng không ngừng học hỏi để có thể trở nên hoàn thiện hơn mỗi ngày.

Rất vui nếu có thể chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm mà tôi đã tích lũy được trong suốt những năm qua đến bạn.

Chưa có bình luận