George Soros dạy chúng ta điều gì về đầu tư?
- Minh Sơn
-
20/07/2019
- 0 Bình luận
George Soros sinh năm 1930 trong gia đình Do Thái ở Hungary. Từ một cậu bé có tuổi thơ gắn liền với chuỗi ngày chạy trốn kinh hoàng khỏi sự tàn sát của Đức Quốc Xã trong Thế Chiến II, đến hành trình khởi nghiệp tại Mỹ rồi trở thành một trong những huyền thoại vĩ đại nhất trong thị trường tài chính.
George Soros là cái tên mà bất kỳ trader nào trên thế giới đều biết tới.
Đỉnh cao trong sự nghiệp của George Soros là thương vụ bán khống số lượng rất lớn đồng Bảng Anh, khi ông cho rằng Vương Quốc Anh có vị trí vô cùng bất lợi trong Cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu (ERM).
Sau nhiều nỗ lực từ Chính phủ để ngăn chặn làn sóng bán tháo đồng Bảng Anh, cuối cùng ngày 16/9/1992 – ngày thứ tư đen tối, ngân hàng Anh đã quyết định rút Bảng Anh khỏi hệ thống ERM, điều này làm Bảng Anh sụt giảm đáng kể.
Thương vụ này đã giúp George Soros kiếm được 1 tỷ $ chỉ trong 24h và đó là lý do tại sao ông lại được (hoặc bị) gọi bằng cái tên “The man who broke the bank of England”.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ không nói về tuổi trẻ, sự nghiệp hay các hoạt động xã hội của George Soros.
Thay vào đó, chúng ta sẽ “soi mói” những trích dẫn của ông về đầu tư. Từ đó suy ngẫm, nhìn nhận lại bản thân để có thể trở thành nhà giao dịch tốt hơn lĩnh vực đầu tư tài chính.
Tính đến tháng 6/2019, tài sản của George Soros theo thống kê của Forbes là 8.3 tỷ USD, xếp hạng #178 những người giàu nhất thế giới.
Trong suốt thời gian dài hoạt động xã hội, George Soros đã cho đi hơn 32 tỷ USD tài sản cá nhân. Nên nếu tính cả số tiền đã từ thiện thì tài sản của ông đã thuộc top 20 những người giàu nhất thế giới.
Điều đó cho thấy rằng những điều George Soros nói ra là đúc kết từ kinh nghiệm thực tế vô cùng quý giá, vô cùng đúng đắn của ông mà chúng ta không bao giờ được xem thường.
Nếu ngay tại thời điểm này, bạn cảm thấy câu nói nào đó không hợp ý mình, hãy lưu nó lại và nghiền ngẫm về nó, đến một lúc bạn sẽ cảm nhận được toàn bộ giá trị của những câu nói tưởng chừng vô cùng đơn giản này.
Trích dẫn đầu tiên là trích dẫn nổi tiếng nhất của bậc thầy đầu tư – George Soros được rất nhiều anh em trader lan truyền trong cộng đồng giao dịch ngoại hối.
#1. “Vấn đề không phải là bạn đúng hay sai, mà là bạn kiếm được bao nhiêu khi bạn đúng và bạn mất bao nhiêu khi bạn sai.” – George Soros
“It’s not whether you’re right or wrong, but how much money you make when you’re right and how much you lose when you’re wrong.”
– George Soros
Không phải ngẫu nhiên mà câu nói này trở thành một trong những triết lý kinh điển nhất của George Soros và được lan truyền rất rộng rãi trong những cộng đồng đầu tư tài chính.
Mỗi người trong chúng ta đều thấy mình ở trong đó!
Chúng ta có bảng history xanh mướt từ trên xuống dưới, từ ngày này qua ngày khác. Cho đến 1 ngày, chỉ 1 vài lệnh đỏ (lệnh thua) làm mất hết lợi nhuận từ list lệnh xanh dài dằng dặc đó.
Ai cũng đã từng như vậy. Đó là điều không thể trách khi chúng ta mới bước chân vào thị trường.
Tuy nhiên cũng có nhiều nhà giao dịch ngoại hối lâu năm vẫn còn rất quan tâm đến tỷ lệ thắng của họ. Họ muốn giành chiến thắng trên mọi giao dịch và họ tin rằng đây là thước đo tốt nhất để đánh giá hiệu quả chiến lược giao dịch của họ.
Những gì George Soros đang muốn nói là, tỷ lệ giao dịch chiến thắng của bạn không quyết định việc bạn có lợi nhuận trên thị trường hay không.
Đây là một ví dụ đơn giản để bạn hình dung về nó:
Bạn có 10 giao dịch.
9 giao dịch đầu tiên bạn thắng 10$ mỗi giao dịch, tổng cộng 90$. Giao dịch thứ 10, bạn mất 100$.
Kết quả cuối cùng sau 10 giao dịch, bạn mất 10$, mặc kệ tỷ lệ chiến thắng rất cao đến 90%.
Ví dụ này rất thực tế với tôi, tôi đã trải qua thời gian dài như vậy. Bạn cũng giống tôi phải không?
Vậy nếu quay ngược lại thì sao:
9 giao dịch đầu tiên bạn lỗ 10$ mỗi giao dịch còn giao dịch cuối cùng bạn lãi 100$. Kết quả cuối cùng bạn lãi 10$ mặc dù tỷ lệ thắng của bạn chỉ là 10%.
HÃY THỰC SỰ NGHĨ VỀ ĐIỀU NÀY!
#2. “Thật không may, hệ thống càng phức tạp thì càng có nhiều lỗi.” – George Soros
“Unfortunately, the more complex the system, the greater the room for error.”
– George Soros
Chắc bạn đã từng nghe phương pháp KISS – Keep It Simple, Stupid!
Cũng như vậy, ở đây, George Soros đang nhấn mạnh sự quan trọng của việc giữ cho mọi thứ đơn giản khi giao dịch.
Chắc hẳn bạn không ít lần được thấy các Forex trader sử dụng chằng chịt các indicator, các đường trendline, các vùng cung cầu, … được thể hiện trên cùng một biểu đồ nến. Ví dụ như thế này:
Bạn nhìn vào biểu đồ đó và thấy rất phức tạp, khó hiểu, bạn thường đánh giá ngay đó có vẻ là những pro trader.
Sự thực có phải như vậy?
HẦU HẾT LÀ KHÔNG!
Nhiều trader thể hiện quá nhiều thông số, đặc biệt là các indicator lên biểu đồ một cách chằng chịt, đôi khi che hết cả đường giá.
Mục đích chính của chúng ta là phân tích, dự đoán hướng đi của giá. Nhưng bạn sẽ làm việc đó thế nào với màn hình như thế kia?
Đối với những trader thích sử dụng kết hợp nhiều indicator khác nhau, tôi nhận được giải thích nguyên do chính của sự “phức tạp” kia đó là CỘNG HƯỞNG XU HƯỚNG.
Cách suy nghĩ cộng hưởng xu hướng là tốt, tuy nhiên cách vận dụng thì chưa đúng.
Ví dụ: Trader X sử dụng 3 indicator là MACD, RSI và CCI để lựa chọn điểm vào lệnh.
Thay vì sử dụng đơn lẻ các indicator để vào lệnh thì trader X chỉ vào lệnh khi cả 3 indicator đều báo hiệu cùng 1 xu hướng.
Điều này nghe cũng có vẻ hợp lý!
Tuy nhiên bạn sẽ dần nhận ra những indicator này báo hiệu xu hướng vào những thời điểm khác nhau. Khi tất cả đều báo hiệu cùng một xu hướng, có thể giá đã đi khá xa rồi, thậm chí thị trường còn chuẩn bị đảo chiều.
Đối với tôi, những vùng cung cầu (hay hỗ trợ và kháng cự) là những vùng giá quan trọng. Tuy nhiên vì nó khá đơn giản để nhận biết nên nhiều trường hợp tôi không cần thể hiện chúng trên biểu đồ.
Vì vậy trong quá trình phân tích thị trường, tôi khuyên bạn hãy tối giản hệ thống của mình, đừng thêm quá nhiều chi tiết lên biểu đồ của bạn. Điều đó sẽ làm bạn đánh mất tổng quan và sự tập trung vào nhân vật quan trọng nhất, đó là GIÁ.
#3. “Các thị trường tài chính nói chung là không thể dự đoán trước. Vì vậy, người ta phải có các kịch bản khác nhau… Ý tưởng rằng bạn thực sự có thể dự đoán những gì sẽ xảy ra trái với cách nhìn của tôi về thị trường.”
“The financial markets generally are unpredictable. So that one has to have different scenarios… The idea that you can actually predict what’s going to happen contradicts my way of looking at the market.”
– George Soros.
Xin nhắc lại rằng, những điều George Soros nói với chúng ta là những điều không thể xem nhẹ, bởi chúng được đúc rút ra từ cuộc đời thành công trong lĩnh vực đầu tư tài chính, từ con người vốn được xem là một trong những nhà đầu tư vĩ đại nhất mọi thời đại.
Chúng ta sẽ bàn về ý sau trước, đó là “chúng ta không thực sự có thể dự đoán chính xác chuyển động của thị trường”.
Trong sự nghiệp trading, chúng ta chắc hẳn ai cũng có những lần dự đoán đúng chuyển động của thị trường như thánh. Không chỉ một mà rất nhiều lần.
Ý nghĩa câu nói trên của George Soros là chúng ta không thể dự đoán chính xác 100% diễn biến của giá. Chúng ta chỉ có thể dự đoán giá sẽ hành động theo cách A với xác suất khoảng 60%, hoặc giá sẽ hành động theo cách B với xác suất 20%, còn lại rơi vào các trường hợp khác như C, D, …
Lưu ý: xác suất ở đây có tính cá nhân rất lớn, tùy vào kiến thức và kinh nghiệm của mỗi người.
Cùng 1 biểu đồ H4 của Vàng, anh A sẽ cho rằng “chắc chắn lên 100%, sai chặt c*”, còn chị C thì thấy “ở đây khó lên lắm, xác suất lên chỉ 30% thôi”.
Tôi chưa biết ai đúng ai sai, tôi chỉ biết lão A là chuyên gia bốc phét!
Những hành động giá A, B, C, D, … là những kịch bản khác nhau mà chúng ta đã “lường” trước.
Thời gian đầu mới giao dịch Forex, tôi không có khái niệm về những kịch bản khác nhau của thị trường. Tôi chỉ có phân tích và giao dịch.
Tuy đã nghe đâu đó về việc lên các kịch bản giao dịch, nhưng nó có vẻ như là một cái gì đó lạ lẫm và không cần thiết đối với tôi.
Vậy tại sao chúng ta lại cần lên các kịch bản giao dịch khác nhau?
Mục đích là để chúng ta bám sát hành động thị trường, không bị bất ngờ khi giá hành động theo các kịch bản mà chúng ta đã tính toán có xác suất thấp.
Mỗi hành động giá khác nhau chúng ta cần lên những kịch bản khác nhau tương ứng với hành động giá đó. Đại loại như:
- Với hành động giá A – giá tăng mạnh breakout mô hình Nêm giảm, bạn sẽ quyết định BUY luôn tại điểm breakout.
- Với hành động giá B – giá breakout qua mô hình Nêm giảm nhưng lực lên không đủ mạnh, bạn sẽ quyết định chờ đợi hết nhịp tăng đó và giá giảm điều chỉnh như thế nào mới quyết định BUY.
- Với hành động giá C – giá giảm, giá có thể hình thành mô hình khác không còn là mô hình Nêm giảm nữa, bạn sẽ quyết định chờ đợi cho đến khi xác định được mô hình giá rõ ràng hoặc bỏ qua và tìm cơ hội ở cặp khác.
- ………………
#4. “Tôi chỉ giàu có bởi vì tôi biết khi tôi sai. Về cơ bản tôi đã sống sót nhờ thừa nhận những sai lầm của mình.” – George Soros
“I’m only rich because I know when I’m wrong…I basically have survived by recognizing my mistakes.”
– George Soros
Ý George Soros muốn nói cho chúng ta, đó là biết khi nào mình sai và thừa nhận cái sai đó để tiến bộ hơn.
Việc biết mình sai ở đâu để sửa là điều rất cần thiết để bản thân tiến bộ sau từng giao dịch thua lỗ.
Và để biết được mình sai ở đâu để sửa thì bạn cần có lý do vào lệnh là gì? Cũng tức là bạn cần 1 hệ thống giao dịch rõ ràng chứ không phải lý do là “tôi nghĩ cả tuần nay giá tăng quá nhiều rồi, khó mà lên được nữa, SELL thôi, nếu lên thì… SELL nữa”.
Trên sàn Forex, chúng ta có mấy chục sản phẩm để giao dịch. Vì vậy, trên các group Forex, hầu như tuần nào cũng có những dòng status kiểu như này: “con này xuống sâu quá rồi các bác, không BUY đừng hỏi vì sao còn nghèo”.
Sau đó là những status thê thảm não nề “cần tìm lời khuyên” hoặc cần tìm “những cánh tay đồng cảm” của hàng loạt trader đăng trên các group.
Cho dù hệ thống giao dịch của bạn có sơ sài thế nào, thì bạn vẫn cần có lý do chính đáng (ít nhất đối với bạn) để có thể vào lệnh. Sau nhiều lần sai như vậy, bạn sẽ thắt chặt được lý do vào lệnh của mình.
THỪA NHẬN SAI LẦM!
Nghĩ thì có vẻ đơn giản thôi nhưng rất nhiều người không làm được việc đó.
Việc thừa nhận sai lầm của trader không xuất phát từ những gì họ nghĩ và nói, mà được thể hiện trong những lệnh giao dịch của họ.
Khó thừa nhận rằng mình đã sai chính là nguyên nhân chính dẫn đến những lệnh giao dịch ngâm lỗ triền miên, với hy vọng giá sẽ quay lại vùng hòa tiền.
George Soros nói rằng ông không phải một nhà đầu tư hoàn hảo. Ông đã phạm rất nhiều sai lầm và mất rất nhiều tiền cho những hành động đó.
George Soros chấp nhận mình đã sai và phân tích những sai lầm đó để không lặp lại trong tương lai.
Be like Soros!
#5. “Nếu đầu tư là giải trí, nếu bạn cảm thấy vui vẻ, có lẽ bạn không kiếm được tiền. Đầu tư tốt nhất nên là việc nhàm chán.” – George Soros
“If investing is entertaining, if you’re having fun, you’re probably not making any money. Good investing is boring.”
– George Soros
Đầu tư nên là công việc nhàm chán! Vì vậy tôi chẳng muốn bình luận về trích dẫn này nữa. Bạn có thể giúp tôi ở dưới bình luận chứ?
Về phần bạn
Trong các trích dẫn trên của George Soros, bạn tâm đắc với trích dẫn nào nhất?
Những câu nói nào truyền cho bạn nhiều cảm hứng nhất? Và bạn học được điều gì từ đó? Đừng ngần ngại chia sẻ với Sinvest ở dưới phần comment nhé.
Tác giả: Minh Sơn
Chào bạn, tôi là Sơn. Tôi là một trader và là một nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Tôi được cộng đồng biết đến nhiều hơn sau khi đạt giải nhì trong cuộc thi Vietnam Trading Challenge 2020.
Chúng ta đều hiểu rằng, trading là một hành trình dài không có hồi kết. Tôi đã đến với thị trường ngoại hối từ cuối 2015, và sau hơn 7 năm tồn tại trên thị trường này, tôi vẫn luôn cố gắng không ngừng học hỏi để có thể trở nên hoàn thiện hơn mỗi ngày.
Rất vui nếu có thể chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm mà tôi đã tích lũy được trong suốt những năm qua đến bạn.